Bảo vệ hậu phương của Nhĩ Chu Vinh Nhĩ_Chu_Thiên_Quang

Cha của Thiên Quang là anh họ có cùng ông cụ với quyền thần Nhĩ Chu Vinh nhà Bắc Ngụy. Thiên Quang từ nhỏ dũng cảm, quả quyết, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, được Vinh yêu mến, gần gũi, mỗi khi có việc quân cơ trọng yếu, đều cho tham dự.

Cuối niên hiệu Hiếu Xương (525 – 527) thời Hiếu Minh đế, thế lực của Nhĩ Chu Vinh ngày càng lớn mạnh, ông ta muốn đem quân vào triều, nên cùng Thiên Quang bí mật bàn bạc. Sau khi chiếm cứ các châu Tịnh, Tứ, Vinh lấy Thiên Quang làm Đô tướng, tổng thống Tứ Châu binh mã. Hiếu Minh đế băng, Vinh đưa quân đi Lạc Dương, lấy Thiên Quang làm Nhiếp hành Tứ Châu, ủy thác hậu phương. Khi Vinh phù lập Hiếu Trang đế (528), Thiên Quang được đặc trừ chức Phủ quân tướng quân, Tứ Châu thứ sử, Trường An huyện Khai quốc công, thực ấp 1000 hộ. Vinh sắp trấn áp Cát Vinh, lưu Thiên Quang ở lại châu, trấn giữ căn cứ của ông ta; nói với ông rằng: “Ta không thể tự mình về nơi ấy, không phải thì không vừa lòng ta.”

Trong niên hiệu Vĩnh An (528 – 530), Thiên Quang được gia chức Thị trung, Kim tử quang lộc đại phu, Bắc Tú Dung đệ nhất tù trưởng. Lại được chuyển làm Vệ tướng quân. Đại tướng quân Nguyên Thiên Mục đông chinh nghĩa quân Hình Cảo, có chiếu lấy Thiên Quang giữ bổn quan làm Sứ trì tiết, Giả Trấn đông tướng quân, Đô đốc, dưới quyền Thiên Mục, tham gia trấn áp khởi nghĩa.

Tướng nhà LươngTrần Khánh Chi hộ tống Bắc Hải vương Nguyên Hạo vào Lạc Dương, Thiên Quang và Thiên Mục hội họp với Nhĩ Chu Vinh ở Hà Nội. Sau khi Vinh rời đi, bạo động lại nổi lên ở các châu Tịnh, Tứ, có chiếu lấy Thiên Quang giữ bổn quan kiêm Thượng thư bộc xạ, làm Tịnh, Tứ, Vân, Hằng, Sóc, Yến, Úy, Hiển, Phần 9 châu hành đài, còn làm Hành Tịnh Châu, ủy thác việc vỗ về nhân dân. Thiên Quang đến Tịnh Châu, tùy nghi ước thúc và kềm chế, các nơi ấy yên tĩnh trở lại. Sau khi Nguyên Hạo bị đánh bại, Thiên Quang trở về kinh sư, được thăng Phiếu kỵ tướng quân, gia Tán kỵ thường thị, cải phong Quảng Tông quận công, tăng thực ấp 1000 hộ, tiếp tục làm Tả vệ tướng quân.